Phụ huynh lo ngại cho con sử dụng đậu nành gây dậy thì sớm

Đậu nành là nguyên liệu giàu isoflavone, bổ dưỡng cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ không dám cho con sử dụng bởi có nhiều thông tin cho rằng thực phẩm gây dậy thì sớm ở trẻ. 

Dậy thì sớm là gì? 

Theo tìm hiểu, dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về hormone và thể chất ở lứa tuổi sớm hơn so với mức bình thường (trước 8 tuổi ở bé gái, 9 tuổi ở bé trai).

Biểu hiện chính của dậy thì sớm gồm có tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra còn xuất hiện lông mu, lông nách, mụn trứng cá, tính khí thay đổi, mùi cơ thể và chiều cao tăng vọt.

Hầu hết những trường hợp dậy thì sớm đều là vô căn. Ngoài ra, cũng có thể bắt nguồn từ di truyền, hiếm gặp hơn chính là do u não (thường gặp ở bé trai), tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhiễm trùng, chấn thương hoặc các bất thường do não bẩm sinh.

Đậu nành mang đến nguồn dinh dưỡng cao cho cơ thể1
Đậu nành mang đến nguồn dinh dưỡng cao cho cơ thể

Đậu nành có làm trẻ dậy thì sớm?

Đậu và những sản phẩm là từ đậu nành (sữa, đậu phụ, nước tương,…) là thực phẩm phổ biến dùng để chế biến các món ăn và đồ uống của người dân Việt Nam. Thành phần dinh dưỡng rất đa dạng, phong phú, được ví như “thịt không xương” bởi mang đến giá trị cao cho sức khỏe.

Theo như BS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng đậu nành tự nhiên chứa nhiều isoflavone (một loại estrogen thực vật có cấu trúc giống như estrogen nội tiết tố ở người) nhưng hàm lượng vẫn rất thấp và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý ở trẻ.

Tuy nhiên, theo BS Hưng những trẻ em bị thừa cân nên lưu ý sử dụng, đồng thờ nên hạn chế tiếp xúc với kem, thuốc mỡ có chứa estrogen hoặc testosterone và những chất khác có chứa hormone này bởi có thể tăng nguy cơ phát triển dậy thì sớm ở trẻ.

Đậu nành không ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý ở trẻ2
Đậu nành không ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý ở trẻ

Giá trị dinh dưỡng của đậu nành

Được biết, trong 100g đậu nành có chứa khoảng 400kcal năng lượng, 34g chất đạm, 18,4g chất béo cùng nhiều dưỡng chất khác như canxi, photpho, magie, kẽm và một số vitamin B khác.

Về cơ bản, đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều lecithin hơn trứng và nhiều canxi hơn sữa bò. Ngoài ra, nguyên liệu này còn là nguồn cung cấp protein đứng hàng đầu về số lượng lẫn chất lượng trong các protein có nguồn gốc từ thực vật (khoảng 36-56% trọng lượng khô).

Bên cạnh đó, đậu nành lại không chứa cholesterol mà còn là nguồn cung cấp acid béo thiết yếu cho cơ thể, vì vậy thực phẩm này rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt cho những người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Sữa đậu nành chứa nhiều protein giúp cơ thể bổ sung lượng đạm cần thiết để duy trì sức khỏe, giúp phát triển cân nặng và chiều cao. Đồng thời, thành phần giàu chất xơ, chất béo hỗ trợ cho hệ tiêu hóa, tạo ra một nguồn năng lượng vận động, phát triển trí não.

Bên cạnh đó, một số vitamin nhóm B, E, omega-3, omega-6 và khoáng chất có trong đậu nành còn là những chất vô cùng quan trọng giúp trẻ phát triển trong giai đoạn dậy thì.

Với hàm lượng chất dinh dưỡng có sẵn trong đậu nành có thể phòng chống các bệnh về tim mạch, ung thư và tăng cường hệ miễn dịch, thậm chí ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên, khi sử dụng đậu nành chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng: đảm bảo số lượng của 3 chất sản sinh ra năng lượng (protein, lipid, glucid), cân đối giữa nguồn thực và động vật. Bởi một số nghiên cứu cho rằng việc lạm dụng đậu nành có thể làm ảnh hưởng không tốt đến chức năng tuyến giáp hay gia tăng nguy cơ bị dị ứng.